Thứ tư, ngày 02 tháng 04 năm 2025
Cập nhật lúc: 24/03/2025

Xã Ea Yiêng (huyện Krông Pắc): Bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Xê đăng

Nghề dệt thổ cẩm của người Xê đăng tại xã Ea Yiêng, không chỉ đơn thuần là một nghề thủ công truyền thống mà còn là biểu tượng văn hóa độc đáo, phản ánh bản sắc và đời sống của cộng đồng nơi đây. Với lịch sử lâu đời, nghề dệt thổ cẩm đã trở thành một phần không thể thiếu trong sinh hoạt, tín ngưỡng và phong tục tập quán của người dân Xê đăng. Những sản phẩm thổ cẩm được dệt bằng tay, với họa tiết tinh xảo và màu sắc rực rỡ không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn chứa đựng những câu chuyện văn hóa phong phú.

z6436066435571_4e1578e38adec900a5d4bb5484111474

Vào ngày 14 tháng 1 vừa qua, UBND xã Ea Yiêng đã phối hợp cùng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Krông Pắc, tổ chức lễ ra mắt tổ hợp tác (THT) nghề dệt thổ cẩm của người Xê đăng. Từ thời điểm ra mắt đến nay, THT đã hoạt động ổn định và sản phẩm thổ cẩm đã dược tiêu thụ. Tuy nhiên, sản phẩm thổ cẩm tiêu thụ quy mô không lớn. Những người khéo tay và nhanh nhẹn có thể tạo ra nhiều sản phẩm hơn để cung ứng ra thị trường. Thị trường tiêu thụ sản phẩm thổ cẩm vẫn chủ yếu đến từ những mối quan hệ quen biết, sau đó được giới thiệu ra các địa phương khác. Đây là một điểm đáng cần lưu ý, bởi việc phát triển mạng lưới tiêu thụ rộng rãi hơn, sẽ giúp tăng thu nhập cho các nghệ nhân và bảo tồn nghề dệt truyền thống. 

Để tạo ra được một sản phẩm thổ cẩm phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau và mất khá nhiều thời gian, công sức. Thời gian hoàn thành mỗi sản phẩm không phải lúc nào cũng cố định. Thông thường, một nghệ nhân có thể mất từ 4 – 5 ngày, hoặc thậm chí lên đến một tuần để hoàn thiện một tác phẩm. Tuy nhiên, với sự linh hoạt trong công việc và thời gian nhàn rỗi, số lượng sản phẩm mỗi nghệ nhân có thể tạo ra sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm độ phức tạp của mẫu dệt, kích thước sản phẩm và thời gian mà họ giành cho từng sản phẩm. 

z6436066433538_e020ee7487e3cd0577cb848e97ead663

THT vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, một trong những thách thức lớn hiện nay là nguồn nhân lực dệt thổ cẩm còn thiếu hụt. THT chỉ có 9 thành viên do mới thành lập; các học viên cần thời gian để nắm vững kỹ năng và trở thành những nghệ nhân lành nghề. Hơn nữa, nhiều nghệ nhân dệt thổ cẩm hiện tại đã cao tuổi, sức khỏe và thị lực của họ ngày càng giảm sút ảnh hưởng đến tốc độ dệt sản phẩm.

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn đó, THT cũng có những thuận lợi nhất định. Kinh nghiệm và tay nghề những nghệ nhân cao tuổi vẫn rất vững vàng, họ có khả năng dệt những hoa văn tinh xảo và điêu luyện. Chính vì vậy, việc đào tạo thêm nguồn nhân lực trẻ, nâng cao tay nghề cho các học viên là vô cùng cần thiết để duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống này.

 

z6436066444057_8093768ca28dccba32fdb02aa14dfb08

Để bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống này, việc đào tạo thêm nguồn nhân lực trẻ là điều cần thiết. Sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương cũng như sự quan tâm từ cộng đồng sẽ góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn và phát triển nghề dệt thổ cẩm của người Xê đăng tại xã Ea Yiêng.

Hy vọng rằng trong thời gian tới, với sự nổ lực chung của cộng đồng, nghề dệt thổ cẩm sẽ tiếp tục được bảo tồn và phát huy, trở thành niềm tự hào không chỉ của người dân Xê đăng mà còn của cả cộng đồng địa phương.

 

Tin và ảnh: SUN. Sinh viên thực tập

 

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang